Cùng Papatrader cập nhật nhanh chóng những tin tức đáng quan tâm trong tuần sau, từ ngày 29/05 – 02/06/2023. Những sự kiện nào sẽ có khả năng ảnh hưởng đến thị trường tài chính quốc tế?
Dựa trên bối cảnh Mỹ đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về việc nâng trần nợ công, các nhà đầu tư có thể tạm yên tâm và tập trung về kế hoạch lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Báo cáo việc làm của Mỹ có thể sẽ thúc đẩy một đợt tăng lãi suất khác trong tháng Sáu. Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc được dự báo là đang chững lại, dựa trên dữ liệu PMI sắp công bố.
Thỏa thuận nâng trần nợ công tại Mỹ
Vào cuối ngày 27/5/2023, tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện đảng Cộng hòa Kevin McCarthy đã đạt được một thỏa thuận sơ bộ nhằm nâng trần nợ công của chính phủ Mỹ. Động thái này đã giải toả áp lực trên thị trường tài chính, ngăn chặn tình trạng vỡ nợ, tránh một cuộc suy thoái nghiêm trọng ảnh hưởng đến nền kinh tế của toàn thế giới. Tuy nhiên, quyết định này vẫn còn gặp nhiều khó khăn khi phải thông qua Quốc hội, dự kiến vào ngày 5/6.
Báo cáo việc làm của Mỹ
Thị trường toàn cầu đang chờ đợi báo cáo bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ. Đây được xem là một trong những dữ liệu cuối cùng trước cuộc họp tháng 6 của FED. Tại cuộc họp vào tháng 5, ngân hàng trung ương Mỹ thông báo nếu lạm phát hạ nhiệt và tình hình việc làm được cải thiện thì họ sẵn sàng tạm dừng chiến dịch tăng lãi suất kéo dài 14 tháng đã đề ra trước đây. Tuy nhiên, thị trường vẫn khá bi quan với tình hình hiện tại, điều này được thể hiện qua bảng bình chọn có 64% khả năng FED tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản tại cuộc họp ngày 14/6, theo công cụ giám sát lãi suất FED của Investing.com.
Chỉ số PMI của Trung Quốc
Vào thứ 4, Trung Quốc sẽ công bố chỉ số PMI. Các dữ liệu gần đây cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang mất đà tăng trưởng trong bối cảnh nhu cầu suy yếu cả trong nước và tại các thị trường xuất khẩu lớn. Lĩnh vực sản xuất dự kiến sẽ tiếp tục bị thu hẹp và tốc độ phát triển của lĩnh vực dịch vụ được dự đoán sẽ chậm lại.
Lạm phát khu vực Eurozone
Eurozone – Khu vực đồng tiền chung châu Âu cũng sẽ công bố dữ liệu sơ bộ về lạm phát giá tiêu dùng của tháng 5 vào tuần này. Lạm phát toàn phần hiện đang ở mức 7%, cao hơn mục tiêu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Vì thế, ECB vẫn còn một chặng đường dài phía trước trong cuộc chiến kiềm chế lạm phát.
Dữ liệu công bố vào thứ Năm tuần trước cho thấy Đức, nền kinh tế lớn nhất của khối, đã bước vào suy thoái trong quý đầu tiên do lạm phát cao ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng.
>> Xem thêm: Đức trở thành quốc gia đầu tiên bị suy thoái kinh tế
Biến động trên thị trường chứng khoán Mỹ
Chứng khoán Mỹ kết phiên tăng mạnh vào thứ Sáu trước kỳ nghỉ cuối tuần. Thị trường toàn cầu được thúc đẩy tăng giá bởi hy vọng về một thỏa thuận nâng trần nợ và những kỳ vọng lạc quan về trí tuệ nhân tạo.
Một số nhà phân tích cho biết, một thỏa thuận nâng trần nợ có thể tạo thêm lý do để FED tăng lãi suất một lần nữa.
Các nhà đầu tư sẽ theo dõi sự xuất hiện của các quan chức FED trong tuần này.
Chứng khoán
Các chỉ số sau phiên 26/05
Chỉ số quan trọng | Điểm | Thay đổi so với phiên trước | Thay đổi trong 5 ngày | Thay đổi trong 1 tháng |
S&P 500 (Mỹ) | 4.205,45 | +1,30% | +0,32% | +0,86% |
NASDAQ (Mỹ) | 12.975,69 | +2,19% | +2,51% | +6,13% |
DOW JONES (Mỹ) | 33.093,34 | +1,00% | -1,00% | -2,95% |
DAX (Đức) | 15.983,97 | +1,20% | -1,79% | +0,39% |
NIKKEI 225 (Nhật Bản) | 30.916,31 | +0,37% | +0,35% | +7,14% |
SHANGHAI COMPOSITE (Trung Quốc) | 3.212,50 | +0,35% | -2,16% | -3,33% |
HANG SENG (Hong Kong) | 18.746,92 | -1,93% | -4,97% | -5,51% |